Trong thời gian vừa qua, tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ, đã có những hành động chống phá cực đoan, có khi là bạo động, được thực hiện bởi những nhóm thuộc phe tả như Antifa, hoặc bởi phong trào Black Lives Matter (BLM) mà nhiều người cho là đã đẩy mạnh lịch trình nghị sự của những thành phần cực tả.

Cũng như trên mặt truyền thông đại chúng, như TV, báo chí, hay qua các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter hay YouTube, đã thường thấy xuất hiện những biện pháp kiểm duyệt, hay tước bỏ diễn đàn (de-platform) ngăn cấm không cho người không cùng quan điểm chính trị, hay xã hội sử dụng. Trong số đó, có người bị “chế tài” đơn giản chỉ vì họ đi “chệch hướngvới các phong trào tả phái “dòng chínhđương thời như Woke hay BLM. Và những biện pháp trừng phạt có tính cách độc đoán áp chế của phe tả thường diễn ra trong một môi trường “văn hóa” mới: Cancel culture.

Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia vẫn không nhìn ra được tính cách áp chế, độc tài nơi những hành động nói trên của nhiều thành phần phe tả. Để tìm hiểu tình trạng này, xin mời quý vị đọc phần chuyển ngữ của bài báo The Experts Somehow Overlooked Authoritarians on the Left của Sally Satel đăng trên The Atlantic ngày 25/9/2021. Tác giả bài báo là một chuyên gia bệnh tâm thần (psychiatrist), một học giả thường trú tại American Enterprise Institute, và là đồng tác giả của quyển sách Brainwashed: The Seductive Appeal of Mindless Neuroscience. Bà là giáo sư thỉnh giảng tại Vagelos College of Physicians and Surgeons của Đại học Columbia, New York.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Bằng một cách nào đó, có những chuyên gia đã bỏ qua không nhìn ra được những nhà người độc tài bên phe Tả. Nhiều nhà tâm lý học đã giả định một cách sai lầm rằng cung cách hành xử mang tính cách đe dọa hay ép buộc chỉ có hiện hữu trong giới bảo thủ.

Việc Donald Trump vượt lên nắm quyền lực đã tạo ra một cơn đại hồng thủy tin tức làm ngập lụt các phương tiện truyền thông và các nghiên cứu trong giới học thuật về chủ nghĩa độc tài — hoặc tối thiểu cũng là loại chủ nghĩa độc tài hiện hữu nơi phe hữu trong chính trị.

Nhiều năm qua, một số nhà nghiên cứu đã giả thuyết rằng Trump không thể thắng cử năm 2016 nếu không có sự ủng hộ từ những người Mỹ đã chán ghét (deplore) sự thỏa hiệp chính trị và muốn các nhà lãnh đạo cai trị với một bàn tay mạnh mẽ.

Mặc dù chủ nghĩa chuyên chế của phe hữu được ghi nhận rõ ràng, nhưng không phải tất cả các nhà tâm lý xã hội học đều đồng ý rằng cũng có một ấn bản độc tài khác hiện hữu bên phe tả. Vào tháng 2 năm 2020, Hiệp hội Nhân cách và Tâm lý Xã hội (the Society for Personality and Social Psychology) đã tổ chức một hội nghị có chủ đề mang tên “Is Left-Wing Authoritarianism Real? Evidence on Both Sides of the Debate.” (“Chủ nghĩa độc tài cánh tả có thực hay không? Bằng chứng có cả ở hai phía của cuộc tranh luận.”)

Một nghiên cứu mới đầy tham vọng về chủ đề này của nhà nghiên cứu Thomas H. Costello tại Đại học Emory và năm đồng nghiệp sẽ có thể có câu trả lời cho câu hỏi đó. Nghiên cứu này đề ra một cách đo lường mới cực kỳ kỹ lưỡng về thái độ phản dân chủ (antidemocratic) của phe tả. Và, bằng cách rút ra kết quả theo một cuộc thăm dò trên 7,258 người trưởng thành, nhóm của Costello khẳng định chắc chắn rằng những thái độ như vậy hiện hữu ở cả hai phía của cử tri Hoa Kỳ. (Tôi cần lưu ý mọi người là một vị đồng tác giả của phần phúc trình này, ông Scott Lilienfeld, cố vấn của Costello, đã quá cố — là người mà tôi đã cùng viết chung một quyển sách vào năm 2013 và nhiều bài báo.) Thật là một ngạc nhiên đầy thú vị, các nhà nghiên cứu trên đã tìm thấy một số đặc điểm chung giữa những kẻ độc đoán thuộc cánh tả và cánh hữu, trong đó gồm có cả sự “ưa chuộng một sự đồng nhất của xã hội (preference for social uniformity), thành kiến đối với những người khác, sẵn sàng sử dụng thẩm quyền của nhóm để ép buộc cung cách hành xử (to coerce behavior), cứng rắn về nhận thức, hung hăng và trừng phạt đối với kẻ bị xem là thù, quá mức quan tâm đến hệ thống cấp bậc và đạo đức tuyệt đối (moral absolutism).”

Phát hành vào tháng trước trên nguyệt san Journal of Personality and Social Psychology (Nhật ký về Cá tính và Tâm lý Xã hội), phúc trình nghiên cứu (papers) của nhóm Costello rất thuyết phục, đến độ bạn phải tự hỏi: Làm thế nào mà các nhà nghiên cứu trước đây lại có thể không nhìn đến chủ nghĩa độc tài cánh tả trong một thời gian dài như vậy?

“Trong 70 năm, vốn liếng kiến thức (lore) trong khoa học xã hội vẫn là chủ nghĩa độc tài chỉ có thể hoàn toàn tìm thấy được bên phía chính trị cánh hữu,” Lee Jussim, một nhà tâm lý xã hội học của Đại học Rutgers không tham gia vào cuộc nghiên cứu mới đó, đã nói với tôi trong một email. Trong quyển sách năm 1950 The Authoritarian Personality (Cá tính độc đoán), một cuộc điều tra về cấu trúc tâm lý của những người bị cuốn hút mạnh mẽ về phía chính trị chuyên chế và đàn áp (autocratic rule and repressive politics), học giả sinh tại Đức Theodor W. Adorno và ba nhà tâm lý học khác đã đo lường con người theo các khía cạnh như sự tuân theo các chuẩn mực xã hội, suy nghĩ cứng nhắc và ức chế tình dục. Và họ kết luận rằng “mẫu người độc đoán” — loại người mà sự ủng hộ nhiệt thành của họ đã cho phép một người như Hitler thực thi được quyền lực — chỉ có tìm được ở nơi những người bảo thủ. Vào giữa thập niên 1990s, Bob Altemeyer, nhà tâm lý học người Canada có ảnh hưởng trong ngành này, đã mô tả chủ nghĩa độc tài cánh tả như là “một Loch Ness Monster của lãnh vực tâm lý chính trị – một cái bóng thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng không phải là con quái vật.” Sau đó, các nhà tâm lý học khác cũng đạt đến kết luận tương tự.

Thời đại Trump, về mặt tâm lý, có thể dễ dàng làm sâu đậm thêm sự thông thái quy ước (conventional wisdom), theo đó cho rằng những người độc tài hầu như luôn luôn là những người bảo thủ; cuộc bạo động tại Điện Capitol (Quốc Hội Hoa Kỳ) vào đầu năm nay cho thấy sự cấp bách của việc tìm hiểu hiện tượng này.

Nhưng, những lời kêu gọi để tước bỏ các phương tiện (de-platform) không cho các diễn giả hay gây ra tranh luận (controversial speakers) và các chiến dịch vận động trực tuyến để đưa đến việc có người bị sa thải vì những quan điểm khác biệt (heterodox views) cho thấy rằng cam kết đối với các khuôn mẫu dân chủ cởi mở đang bị xói mòn, ít ra cũng là trong một số thành phần, bên tả phái. Xa hơn nữa trong diễn trình liên tục độc tài (authoritarian continuum), những người tuyên bố họ là những người chống lại phân biệt chủng tộc (antiracist) hoặc chống lại chủ nghĩa phát xít (antifascist) đã nổi lửa và chủ tâm thực hiện (committed) các hành vi bạo lực khác kể từ mùa hè năm 2020. Những hành vi này chỉ còn cách một chút nữa là giống như chiến dịch cho nổ bom vào thập niên 1970s của nhóm cực tả (far-left) có tên Weather Underground, nhưng chắc chắn sự việc này đã tạo ra sự nghi ngờ vào những sự “thông thái đương thời” (prevailing wisdom). (Những người ủng hộ các chế độ cách mạng ở nước ngoài còn tỏ cho thấy rõ hơn là một số người phe tả cố gắng đạt được mục đích của họ qua sự đe dọa và vũ lực.)

Nhưng một lý do mà rất khó thấy sự chuyên chế của cánh tả xuất hiện trong phần nghiên cứu tâm lý xã hội là bởi vì các chuyên gia của giới học thuật trong lãnh vực này đều làm việc tại các tổ chức có các quan điểm đương thịnh hành (prevailing attitudes) lại nằm xa bên phía tả của xã hội (far to the left of society). Các học giả ủng hộ viễn kiến về xã hội của tả phái — như tái phân phối thu nhập, chống phân biệt chủng tộc, và hơn thế nữa — rất có thể chỉ là chậm chạp trong việc nhận ra được chủ nghĩa độc đoán hiện diện ngay giữa những người có cùng những mục tiêu tương tự.

Người ta không cần phải tin rằng những người chuyên chế bên cánh tả cũng đông đảo hoặc đáng sợ như bên cánh hữu để có thể hiểu rằng cả hai hiện tượng trên đều là một vấn đề đáng phải lo ngại. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do (liberals) — cả trong và ngoài giới học thuật — có thể vẫn còn chút thoải mái khi tin rằng độc tài cánh tả không hiện hữu, nhưng điều giả tưởng đó (fiction) đã làm ngơ không nhìn vào một nguồn lực to lớn tạo ra sự bất ổn và phân cực trong chính trị và xã hội của chúng ta.

Trong nghiên cứu đã dẫn đến quyển sách The Authoritarian Personality (Nhân cách Độc đoán), Adorno và các đồng nghiệp của ông đã hình thành một “thang điểm F” để đo lường cách hành xử của những người theo chủ nghĩa phát xít; sau đó Altemeyer đã dựa trên nghiên cứu đó để tạo ra một thang đo lường chủ nghĩa độc đoán của phe hữu bằng cách lượng giá một số đặc điểm tiêu biểu của nhân cách (personality traits) — gồm có những cảm giác gây hấn (feelings of aggression), sẵn sàng tùng phục dưới một thẩm quyền và một phẩm chất mà ông gọi là “chủ nghĩa quy ước” (“conventionalism”) — không bắt buộc phải liên quan chặt chẽ đến chủ nghĩa bảo thủ chính trị của đối tượng được nghiên cứu (subject). Thang điểm về chuyên chế phe hữu (right-wing authoritarian, RWA, scale) của Altemeyer vẫn là “tiêu chuẩn bằng vàng trong việc đem đến một khái niệm và lượng định tất cả các loại chủ nghĩa độc tài,” Costello nói với tôi như vậy. Nhưng sau khi Altemeyer chuyển chú tâm sang chủ nghĩa chuyên chế phe tả (left-wing authoritarianism, LWA), thì ông ta đã lầm lẫn khi cho rằng nó giống hệt như một biến thể của phe hữu (right-wing variety). Thang điểm để lượng định độc tài phe tả LWA của ông ta hầu như không nhận diện ra được bất kỳ đối tượng nào. Ông ta hoặc đã đặt mức giới hạn (threshold) quá cao hoặc đã đem các thái độ không đúng (wrong attitudes) ra để đo lường.

Costello và các đồng nghiệp đã bắt đầu lại từ đầu. Họ phát triển những gì mà cuối cùng trở thành một danh sách có 39 câu tuyên bố thu hút được các xúc cảm (capturing sentiments) như “Chúng ta cần thay thế một trật tự đã ổn cố từ lâu bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào” (“We need to replace the established order by any means necessary”) và “Tôi có quyền để không bị tiếp xúc với những quan điểm có tính cách xúc phạm.” (“I should have the right not to be exposed to offensive views.”). Các đối tượng trong cuộc nghiên cứu được yêu cầu cho điểm những câu phát biểu như trên theo thang điểm từ 1 đến 7. Họ cho thấy một đặc điểm mà các nhà nghiên cứu mô tả là “hung hăng chống lại cấu trúc theo thứ bậc”(“anti-hierarchical aggression”) bằng cách đồng ý mạnh mẽ rằng “Nếu tôi có thể tái tạo lại xã hội, tôi sẽ đem những người hiện đang có nhiều đặc quyền nhất xuống tận cùng dưới đáy.” (“If I could remake society, I would put people who currently have the most privilege at the bottom.” ) Bằng cách đồng ý với những câu tuyên bố như “ Việc xóa bỏ bất bình đẳng quan trọng hơn việc bảo vệ cái gọi là ‘quyền’ tự do ngôn luận,” (“Getting rid of inequality is more important than protecting the so-called ‘right’ to free speech,”) họ đã thể hiện một thái độ được gọi là “kiểm duyệt từ trên đi xuống.” (“top-down censorship.”) Và họ đã cho thấy điều mà nhóm nghiên cứu gọi là “chống chủ nghĩa truyền thống” bằng cách tán thành những lời tuyên bố như “Tôi không thể tưởng tượng nổi mình lại trở thành bạn với một người bảo thủ chính trị.” (“I cannot imagine myself becoming friends with a political conservative.”)

Costello và các đồng nghiệp của ông đã theo dõi chỉ số LWA mới của họ (để định giá độc tài phe tả) và thang đo RWA nguyên thủy của Altemeyer (để định giá độc tài phe hữu) . Có một số khác biệt nổi bật lên giữa phe tả và phe hữu; chẳng hạn như phe tả cởi mở hơn đối với những kinh nghiệm mới và dễ tiếp nhận khoa học hơn phe hữu. Nhưng nghiên cứu mới ghi nhận được một sự giao tiếp chồng lên nhau (overlap) lớn lao trong cấu trúc độc tài — một “cốt lõi tâm lý được cùng chia sẻ,” (“shared psychological core,”) theo như các tác giả đã viết — giữa những số điểm cao trên chỉ số LWA mới của họ cho phe tả và thang điểm RWA ban đầu của Altemeyer cho phe hữu, mà họ cũng theo dõi.

Các tác giả kết luận rằng đầu óc độc tài (authoritarian mentality), dù cực tả hay cực hữu, đều áp đặt “những áp lực mạnh mẽ để duy trì kỷ luật giữa các thành viên, cổ võ các phương cách chỉ trích hung hãn để bóp nghẹn phe đối lập, [và] tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối từ thượng tầng đưa xuống (top-down absolutist leadership).”

ý thức hệ của bạn — dù là cấp tiến (progressive) hay theo Trump (Trumpist) — thì điều đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Giá trị và niềm tin của bạn có độc đoán hay không mới là điều chính yếu hơn.

Có lẽ cái nhìn thấu suốt có tính thuyết phục nhất nổi bật lên từ cố gắng tách rời ý thức hệ chính trị của đối tượng được nghiên cứu ra khỏi chủ nghĩa độc tài. Họ tìm ra rằng ý thức hệ của bạn — dù là cấp tiến (progressive) hay theo Trump (Trumpist) — thì điều đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Giá trị và niềm tin của bạn có độc đoán hay không mới là điều chính yếu hơn. “ Về phương diện tâm lý, chủ nghĩa độc đoán đến trước (ý thức hệ),”Costello nói với tôi.

Tôi hỏi Costello rằng liệu phe tả và phe hữu có hiện hữu theo một tỉ lệ ngang bằng với nhau không. “Thật khó biết được tỉ lệ,” ông ta nói, ông cho biết rõ rằng khả năng tiếp nhận chủ nghĩa độc tài của một đối tượng rơi vào tình trạng liên tục (falls on a continuum), giống như các cá tính đặc thù khác hay ngay cả là chiều cao, vì vậy dùng các cách phân loại nhanh chóng và cứng nhắc (độc đoán đem so với không độc đoán) có thể dễ bị lầm lẫn. “Một vài nghiên cứu sơ khởi cho thấy tỉ lệ này gần bằng nhau nếu bạn tính trung bình trên toàn cầu,” ông nói. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, Costello đưa ra giả thuyết rằng những người chuyên chế phe hữu nhiều hơn phe tả khoảng gấp ba lần. Các nhà nghiên cứu khác đã kết luận rằng con số những người bảo thủ cứng rắn (strident conservatives) ở Hoa Kỳ vượt xa khỏi con số những người tiến bộ cứng rắn (strident progressives) và những người bảo thủ Hoa Kỳ thể hiện thái độ độc đoán nhiều hơn những người ngang hàng với họ (counterparts) ở Anh, Úc hoặc Canada.

Các trường đại học đã từ lâu nghiêng về phe tả, nhưng khuynh hướng đó càng sâu đậm hơn khi mà giáo dục, hơn bao giờ hết, đã càng trở nên tương quan mật thiết với ý thức hệ chính trị.

Sự việc mà các nhà tâm lý học đã chậm chạp nhận ra sự hiện hữu của những người chuyên chế cánh tả là điều “khó hiểu,” Costello và các đồng nghiệp của ông viết. Nhưng tôi lập luận rằng, đây là nơi mà sự định hướng thiên tả rõ rệt (pronounced leftward orientation) của các nhà nghiên cứu phần tâm lý học xã hội tiến vào. “Tâm lý học trong giới học thuật đã từng có được một sự đa dạng đáng kể nơi mặt chính trị, nhưng trong 50 năm qua gần như đã mất đi tất cả,” theo một duyệt xét lại toàn diện vào năm 2014. Các trường đại học đã từ lâu nghiêng về phe tả, nhưng khuynh hướng đó càng sâu đậm hơn khi mà giáo dục, hơn bao giờ hết, đã càng trở nên tương quan mật thiết với ý thức hệ chính trị. Dù nguồn gốc của nó là gì đi nữa, thì sự mất cân bằng chính trị này sẽ làm cho việc tìm kiếm sự thật trở nên khó khăn hơn. Nhiều nghiên cứu đã nhiều lần cho thấy rằng quan điểm chính trị xã hội của các nhà điều tra ảnh hưởng đến những câu hỏi mà họ đưa ra. Hơn nữa, khi những người có đầu óc nặng về ý thức hệ mà giữ vai trò lượng định (reviewers) các nghiên cứu thì họ thường dễ đánh giá cao các phần toát yếu (abstracts) và phúc trình nghiên cứu (papers) nếu các điều được tìm ra trong các nghiên cứu đó phù hợp với niềm tin của chính họ, còn ngoại ra thì tất cả đều như nhau.

Những thành kiến mù lòa vì ý thức hệ (Ideological blind spots) có thể thực sự có ảnh hưởng (xấu) đến các nhà nghiên cứu có quan điểm nặng về bảo thủ hoặc chỉ là nghiêng về cánh hữu (right-of-center outlook), nhưng con số những nhà nghiên cứu có quan niệm bảo thủ như vậy cũng không nhiều để gây ra sự quan tâm. Nếu ngành tâm lý học của giới học thuật có nhiều quan điểm đa dạng hơn, thì những thành kiến chính trị, vốn có thể làm méo mó công việc của các nhà nghiên cứu, sẽ có nhiều ý kiến đối trọng với nhau. Tại các trường đại học Mỹ ngày nay, những thành kiến đó thường chỉ về cùng một hướng. Trong ngành tâm lý học, có sự tin tưởng rằng chỉ những người bảo thủ mới có thể độc tài, và do đó chỉ có những nghiên cứu về những người độc tài bảo thủ mới đáng phải cẩn trọng nghiêm chỉnh, và qua nhiều thập niên đã cho thấy sự tin tưởng đó tự mạnh mẽ thêm lên.

Trong khi cả hai chính thể chuyên chế của phe tả và hữu lan truyền ra khắp toàn cầu — một thứ “đại dịch của chủ nghĩa độc tài toàn cầu” đã “dai dẳng hiện hữu và càng trở nên sâu đậm” trong 15 năm qua, theo lời của nhà xã hội học Larry Diamond của Đại học Stanford — và khi tốc độ của quá trình cực đoan hóa (radicalization) các thành phần được chiêu mộ (recruits) tăng nhanh, thì con số khiêm nhường của các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề này có thể cũng sẽ gia tăng. Bằng cách tái trình bày (recast) chủ nghĩa độc tài phe tả bằng các từ ngữ xác thực hơn (more specific terms) — như hung hăng chống lại cấu trúc theo thứ bậc (anti-hierarchical aggression), kiểm duyệt từ trên xuống ( top-down censorship), và chống lại chủ nghĩa truyền thống — Costello và các đồng nghiệp của ông đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu khác và công chúng một ngữ vựng mới cho việc luận bàn về những thái độ phản dân chủ (antidemocratic attitudes) ở phía bên đó trong một môi trường chính trị (the political spectrum).

Một giá trị khác của công việc làm của nhóm Costello nằm ở nơi vị thế của họ như thể là một minh chứng nghiêm chỉnh về sự định hướng của một ý thức hệ có tính áp đặt (dominant) đè nặng lên tâm lý của xã hội đã hạn chế lại phạm vi điều tra nghiên cứu (inquiry) như thế nào.

Sự độc tôn ý thức hệ trong lãnh vực này đã làm tổn hại đến sự hiểu biết chung của chúng ta về tâm lý chính trị — và nói rộng ra là chính trị của Hoa Kỳ.

“Quan điểm có tính áp đặt xem độc tài phe hữu (RWA) như là ‘tiêu chuẩn bằng vàng’ của hình thái độc tài (authoritarianism writ large) thì không còn đơn thuần chỉ là một khuôn khổ lý thuyết có ảnh hưởng hay một sự méo mó của lịch sử (historical quirk),” các tác giả này viết. “Mà quan điểm đó còn giới hạn lại các câu hỏi mà chúng ta hỏi với tư cách khoa học gia [và] giới hạn lại cả các loại lý thuyết mà chúng ta sử dụng để giải thích kết quả của mình.” Trong nhiều năm, điều mà đương nhiên là hoàn hảo đối với nhiều người bên ngoài lãnh vực này — khi cho rằng những đầu óc cực đoan (extremist mindsets) đều hiện hữu ở cả hai bên tả và hữu trong một môi trường chính trị (the political spectrum) — thì đều bị xem nhẹ (downplayed) bởi đa số các nhà tâm lý học xã hội. Sự độc tôn ý thức hệ trong lãnh vực này đã làm tổn hại đến sự hiểu biết chung của chúng ta về tâm lý chính trị — và nói rộng ra là chính trị của Hoa Kỳ.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 13/10/2021