Khi Hoa Kỳ có sự căng thẳng với một nước khác, đảng Cộng Hòa thường được xem là sẽ chọn giải pháp mạnh. Tuy nhiên, về căng thẳng giữa Mỹ-Hoa, thì lại khác. Như bà Penny Pritzker, thuộc Đảng Dân Chủ, cựu Bộ Trưởng Bộ Thương Mại, 2013-2017, trong chính quyền Obama, đã trình bày trong bài The Great Chinese Disconnect đăng trên Bloomberg ngày 13/8/18.  Là một tỉ phú, bà Pritzker còn là sáng lập viên và chủ tịch của công ty đầu tư PSP Partners.  


Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Lúc đó là cuối tháng 11 năm 2016, và người đồng nghiệp đối tác của tôi, phó Thủ Tướng Trung Hoa, Wang Yang, đang đến thăm Washington, D.C. Trong suốt thời gian tôi làm Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, vị phó thủ tướng này và tôi đã xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp và thẳng thắn. Vì đây là cuộc họp chính thức cuối cùng của chúng tôi, cho nên tôi quyết định làm khác đi một chút: đưa ông ta về vùng nông thôn Virginia để cùng dự một bữa ăn truyền thống vào dịp Lễ Tạ Ơn.

Trong khi các nhân viên bảo vệ an ninh bao quanh, chúng tôi vẫn ngồi được một chỗ riêng ra một mình, cộng thêm hai phụ tá thân cận nhất của chúng tôi. Chỉ một chút sau khi an tọa, phó thủ tướng đã chồm người đến gần và hầu như nói thì thầm vào tai tôi, “Bà có thể giải thích chuyện gì vừa mới xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống của bà không?” Rõ ràng là người Trung Hoa cũng ngạc nhiên về kết quả của cuộc bầu cử như chúng ta.

Tôi đã bảo vị phó thủ tướng rằng chính chúng tôi vẫn còn đang cố gắng tìm hiểu về kết quả trên, nhưng điều quan trọng đối với ông ta là ông ta phải thấu hiểu rằng Trung Hoa đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử đó. Khi người thông dịch nói vào tai ông ta, ông ta đã bắn sang tôi một cái nhìn có hơi ngạc nhiên. Tôi giải thích rằng lời kêu gọi “cứng rắn với Trung Hoa” của  Donald Trump, lúc còn là ứng cử viên, đã đánh trúng vào dòng suy nghĩ bên trong nước Mỹ mà Wang và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác cần phải hiểu.

Từ nhiều năm qua, người Mỹ đã được bảo cho biết rằng Trung Hoa là một nước đang phát triển và không nhất thiết phải được xét theo cùng một tiêu chuẩn như các nước đã phát triển như Hoa Kỳ. Nhưng sự thành công của Trung Hoa đã làm hỏng cách biện giải đó. Nền kinh tế Trung Hoa đã tăng trưởng 6% hoặc hơn trong mỗi năm. Các thành phố, đường xá, hải cảng và cầu của Trung Hoa, như thể qua mỗi đêm, lại tăng vượt lên. Nơi sản xuất hàng hóa với giá rẻ của thế giới đã nhanh chóng trở thành một điểm tụ hội (hub) của công nghệ toàn cầu. Và chính quyền Trung Hoa đang đầu tư hàng tỉ đồng nhân dân tệ cho kế hoạch kỹ nghệ “Made in China 2025.” Khoảng cách dị biệt giữa những xảo biện (rhetoric) và thực tế đã trở nên sâu đậm và càng ngày càng gia tăng.

Cùng lúc đó, người Mỹ cảm thấy rằng tối thiểu cũng đã có một số thành công của Trung Hoa đã làm cho họ bị thiêt hại. Họ đã chứng kiến những công việc làm của giới trung lưu và lối sống đã một thời sung túc của họ đang biến mất. Trung Hoa đã khá không công bằng trong một cuộc chơi; họ đã liên tục vi phạm các cam kết quốc tế và làm nghiêng sân chơi về phía đem lại lợi thế cho các công ty của Trung Hoa. Đặt sang một bên những phức tạp của kinh tế, thì sự kiện thực tế là việc người Mỹ, một phần, phải bỏ tiền ra để trả cho các hành vi như vậy đã bắt đầu “thấm vào” (sink in) hàng triệu công dân của nước tôi.

Ứng cử viên Trump, dĩ nhiên, đã không tạo ra những sự mất quân bình này. Chỉ có điều rất đơn giản là ông ta đã rất hiệu quả trong việc đánh trúng sự phẫn uất càng ngày càng gia tăng này. Có hoặc không có Trump, thì mối quan hệ Mỹ-Hoa cũng đã nhanh chóng di chuyển về phía ngã tư đường.

Điểm mà tôi đã chỉ ra cho vị phó thủ tướng là, khi Trung Hoa đã tiến lên thành một cường quốc toàn cầu, thì mối tương quan năng động (dynamic) giữa hai quốc gia chắc chắn đã thay đổi. Trong khi đó, lại có quá nhiều hành động và chính sách của Trunng Hoa vẫn không thay đổi.

Thực vậy, các quan chức Trung Hoa vẫn thường xuyên dựa vào những xảo biện lỗi thời (outdated rhetotic) cho rằng Trung Hoa chỉ đơn thuần là một quốc gia đang phát triển. Lập luận của Trung Hoa tự cho rằng họ vẫn còn là một quốc gia đang phát triển rõ ràng là không đúng với môt thực tế có thể quan sát được về một Trung Hoa hiện đại. Về mặt lý luận, điều đó còn đi ngược lại với mục tiêu to lớn của Trung Hoa là phải thiết lập một “mô hình mới về những quan hệ của các đại cường” (“new model of great power relations”) giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Và đó là một tương quan năng động chú trọng đến việc nuôi dưỡng sự hợp tác và cạnh tranh giữa hai quốc gia nhưng tránh né sự đối đầu, mà, về phương diện lịch sử, đã là yếu tố xác định các mối quan hệ giữa các cường quốc đương thời và các thế lực đang vươn lên vị trí cường quốc.

Thật khó để Trung Hoa có thể có cả hai gương mặt – một mặt là quốc gia nghèo, đang phát triển và mặt bên kia là một “mô hình mới về những quan hệ giữa các đại cường.” Công thức (về mô hình) đó đã đương nhiên xem là có sự hiện hữu của hai đại cường. Trong thế giới hiện đại, dù sao đi nữa, để trở thành một đại cường, thì quốc gia đó cần phải có khả năng lãnh đạo. Điều đó đòi hỏi quốc gia đó phải hành xử như một người quản lý tốt của nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải chỉ để hưởng lợi từ nền kinh tế đó. Điều đó đòi hỏi phải chơi theo cùng các quy luật và cạnh tranh một cách công bằng, không thể dựa vào các nguồn tài lực của quốc gia để hỗ trợ cho các ngành kỹ nghiệp và sáng tạo nội địa. Nếu Trung Hoa muốn trở thành một đại cường khác của thế giới, thì, vì quyền lợi của chính họ, rõ ràng là Trung Hoa phải bắt đầu hành động giống như một đại cường.

Để cho được công bằng, chúng ta thấy Trung Hoa đã vượt lên trên như là một quốc gia lãnh đạo toàn cầu nơi một số các vấn đề – như khí hậu – và, trong những tháng gần đây, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã thường xuyên nói về việc Trung Hoa đảm nhận một vai trò to lớn hơn trong các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, trong các lãnh vực khác, đặc biệt là những lãnh vực gắn liền với chính sách kinh tế và mậu dịch, thì những xảo biện (rhetoric) vẫn tiếp tục vượt xa các chính sách.

Một phần nào đó, chính khoảng cách dị biệt giữa các lời nói và thực tế này đã đem lại cho Trump một sức mạnh chính trị ở Hoa Kỳ. Trung Hoa là một cường quốc. Trung Hoa đã vươn lên, và, trong khi làm như vậy, Trung Hoa đã nhấc được 800 triệu người ra khỏi sự nghèo đói. Nhưng, nếu Trung Hoa không thay đổi cách thế của họ đối với việc cạnh tranh kinh tế, tôi lo sợ rằng cuộc chiến tranh mậu dịch ngày hôm nay sẽ không là gì cả một khi đem ra so sánh với những căng thẳng cao độ sẽ đến trong những ngày sắp tới. Thành thật mà nói, hệ thống chính trị trong nước chúng ta đòi hỏi phải có hành động và Tổng Thống Trump sẽ giống như một sự hiện thân dịu nhẹ lúc ban đầu của một khuynh hướng (sẽ phải xảy đến) hơn là một kẻ ngoại cuộc (outlier).

Điều trớ trêu, hiển nhiên, là trong nhiều khía cạnh quan trọng, những mối dây quan hệ về kinh tế và cá nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa lại càng sâu đậm hơn bao giờ:

  • Đã có khoảng 130,000 sinh viên bậc cao học người Trung Hoa đến Hoa Kỳ du học trong niên khóa 2016-2017. Tính trung bình, mỗi sinh viên Trung Hoa tiêu hơn 26,000 đô la mỗi năm ở Hoa Kỳ
  • Đầu tư trực tiếp của Trung Hoa tại Hoa Kỳ đã mở rộng đáng kể lên đến 46 tỉ đô la vào năm 2016, trước khi suy thoái nặng vào năm 2017. Khoản đầu tư đó đã đem lại một nguồn lực mạnh mẽ đến nhiều lãnh vực khác nhau tại mọi nơi trên đất nước chúng ta.
  • Trong vòng chưa đầy 10 năm, khoản chi tiêu từ khách du lịch người Trung Hoa đến Hoa Kỳ đã tăng hơn bốn lần để lên đến hơn 20 tỉ đô la mỗi năm. Chủ Tịch Tập và Tổng Thống lúc đó là Barack Obama đã đồng ý cung cấp chiếu khán du lịch loại mới có giá trị 10 năm cho công dân của cả hai quốc gia, vì vậy chúng ta có thể mong đợi con số du khách đó sẽ gia tăng.

Trên đại thể, Trung Hoa không thể đạt đến tới tiến bộ đó nếu không có một trật tự kinh tế toàn cầu được ổn định mà trật tự đó đã được Hoa Kỳ bảo lãnh và giữ vững trong 70 năm qua. Trong khoảng thời gian đó, hệ thống này có xung đột hạn chế và đã đưa đến sự gia tăng lớn nhất về mặt thịnh vượng mà thế giới chưa từng thấy. Không còn thắc mắc gì nữa, đặc biệt là trong hai thập niên vừa qua, Trung Hoa đã gặt hái được những lợi ích từ một trật tự đặt căn bản trên các quy luật, không chỉ bằng cách cạnh tranh mạnh mẽ mà còn, phải nói rằng, bằng cách khai thác hệ thống hiện hành đó vào những thời điểm khác nhau. Điều đó phải thay đổi.

Nếu không, tôi sợ rằng mục tiêu được đề ra cho một “mô hình mới về những quan hệ giữa các đại cường” (“new model of great power relations”) – hợp tác trong cạnh tranh – sẽ trở thành nạn nhân của việc Trung Hoa không có khả năng thay đổi. Rồi thì, các lựa chọn chính trị có thể có được trong việc điều hướng sự lớn mạnh của Trung Hoa trong những thập niên tới sẽ bị thu hẹp lại để chỉ còn mỗi một chọn lựa duy nhất: Đối đầu.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ – Ngày 23/8/2018