Gần đây, Bắc Hàn đã có những hành động hiếu chiến; và thế giới đã phải có biện pháp cứng rắn chống lại. Ngày 15/9/2017, Abraham Denmark đã có bài viết The U.S. Can’t Get Rid of North Korea’s Nukes Without Paying a Catastrophic Price trên foreignpolicy.com để góp phần lượng định sự việc.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
Hiện nay Kim Jong Un đang nổi như cồn (on a roll). Sau khi phóng đi một hỏa tiễn thứ hai bay qua Nhật Bản, thành công trong việc thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile -ICBM), và thành công trong việc cho phát nổ vũ khí hạt nhân sản sinh năng lượng cao, mối đe dọa của Bắc Hàn đã gia tăng tới mức độ tàn khốc nổi bật trong chỉ vòng vài tuần.
Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược của Hoa Kỳ, vừa qua tuyên bố rằng ông ta coi như Bắc Hàn đã thử nghiệm thành công quả bom hydro. Ông cũng giải thích rằng trong khi Bắc Hàn vẫn chưa cho thấy họ có được một hỏa tiễn liên lục địa ICBM đáng tin cậy có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, thì “đó chỉ là vấn đề của khi nào, không còn là nếu (họ có) nữa.” Điều gì xẩy ra kế tiếp sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai của Á Châu Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới.
Đáng tiếc là cứ mỗi thành công của Bắc Hàn, thì triển vọng của Mỹ trong việc ngăn chặn Bắc Hàn để đừng đi xa hơn trong việc hạt nhân hóa lại càng trở nên mờ nhạt. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao có thể và nên được gia tăng, nhưng Trung Hoa có sẵn lòng thực hiện các biện pháp trừng phạt nặng đối với Bắc Hàn hay không vẫn còn là một điều không chắc chắn. Hơn nữa, từ nhiều thập niên nay, Bình Nhưỡng đã chứng tỏ họ sẵn sàng gánh chịu sự nghèo đói và cô lập khủng khiếp để đánh đổi lấy một khả năng có vũ khí hạt nhân.
Nhiều nhà phân tích bên ngoài đã suy đoán rằng khuyến khích việc thay đổi chế độ từ bên trong Bắc Hàn có thể sẽ là cách hữu hiệu nhất để thoát ra khỏi tình trạng hóc búa này. Dĩ nhiên, như đã từng được thấy trong Mùa Xuân Ả Rập vài năm trước, ngay cả những chế độ có vẻ mạnh mẽ nhất có thể đột nhiên sụp đổ, trong những hoàn cảnh thích hợp.
Nhưng thật đáng tiếc, những thành công gần đây của Bắc Hàn đã như tiến đến gần hơn trong việc thành toàn giấc mơ có từ nhiều thập niên của người cha và ông nội của Kim Jong Un đã làm cho anh ta trở nên có thế giá hơn đối với bên trong Bắc Hàn và càng làm cho giới quyền lực (elites) tại đó mất đi nhiều cơ hội lật đổ anh ta.
Cuối cùng, một cuộc chiến tranh phòng ngừa chắc chắn không phải là điều hấp dẫn đối với Hoa Kỳ và đồng minh, bởi vì số người Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ có thể bị Bắc Hàn giết chết có tiềm năng lên đến con số triệu. Trong khi nếu có xung đột với Bắc Hàn, thì sau cùng Hoa Kỳ cũng sẽ chiến thắng, nhưng sẽ phải trả bằng một giá đắt kinh khủng.
Bình Nhưỡng biết rõ điều này và họ làm tất cả mọi thứ mà họ có thể làm để nhấn mạnh vào tổn thất kinh hoàng của chiến tranh, có nghĩa là vì vậy các mối đe dọa tấn công Bắc Hàn giống như chỉ là hù dọa suông, không có thực đối với Bình Nhưỡng. Điều này càng làm suy yếu mọi nỗ lực đàm phán với Bắc Hàn, vì Hoa Kỳ chẳng thể tạo áp lực lên sự sống còn của Bắc Hàn, vốn là những gì mà đúng ra Bình Nhưỡng phải coi trọng nhất.
Trước nhịp độ tiến triển đáng kể của những thành công mà Bắc Hàn đã thấy trong những ngày và tuần lễ gần đây, và việc Hoa Kỳ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế đã không thể thuyết phục Bình Nhưỡng chọn một con đường khác, thì kết luận rõ rệt sẽ là: Hoa Kỳ sẽ phải sống chung với một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân.
Điều này không có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận nó. Cũng như điều đó không hề mang một ý nghĩa là chúng ta nên từ bỏ các nỗ lực để thuyết phục Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên nhìn nhận ra thực tế mà họ phải đối diện: Những khả năng (nguyên tử) này là có thật, và không thể loại bỏ chúng mà không phải trả bằng một giá kinh hoàng.
Liệu thế giới có thể sống chung với một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân? Đúng, có thể sống chung trong một thời gian. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có một nguy hiểm đáng kể đi kèm. Mặc dù những lời của H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, cho rằng Bắc Hàn có thể bị ngăn chặn – ít nhất là ở cấp độ hạt nhân. Kim Jong Un không phải là kẻ muốn tự sát.
Thực vậy, nhu cầu sống còn và duy trì được chế độ của họ Kim có vẻ là yếu tố chính yếu đằng sau các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn. Khả năng của người Mỹ nhằm làm nản lòng việc muốn có vũ khí hạt nhân vẫn còn mạnh mẽ, và việc có thêm một Bắc Hàn không làm thay đổi chiều hướng đó.
Trong nhiều thập niên qua, cả Nga và Trung Hoa đều duy trì một khả năng có thể tấn công Hoa Kỳ, và chiến lược phòng thủ ngăn ngừa bằng vũ khí nguyên tử đã được đem ra thực hiện (nuclear deterrence has held). Không có một lý do gì để có thể tin rằng Bắc Hàn sẽ làm khác hơn trong vấn đề này.
Nhưng không thể lập luận tương tự như vậy đối với một xung đột theo kiểu chiến tranh quy ước (conventional) tại Bán đảo Triều Tiên. Trong 64 năm, sức mạnh kết hợp của quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn, kể luôn chiếc dù vũ khí hạt nhân của Mỹ, đã ngăn ngừa không để một cuộc xung đột nổ lớn ra thêm lần nữa trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng việc Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân đã làm thay đổi tận gốc rễ tương quan này một cách nguy hiểm.
Nếu cảm thấy an toàn khi ẩn núp đàng sau chiến lược phòng thủ ngăn ngừa bằng vũ khí nguyên tử, thì các nhà lãnh đạo Bắc Hàn có thể tiến thêm một bước nữa để dùng vũ khí nguyên tử chống lại kẻ thù của họ.
Hãy nhớ lại những sự kiện năm 2010, khi Bắc Hàn đầu tiên đánh chìm một tàu quân sự của Nam Hàn và sau đó pháo kích vào một hòn đảo của Nam Hàn, giết chết 50 người Nam Hàn. Những khiêu khích nguy hiểm như vậy, và tệ hơn, có thể trở nên phổ biến hơn trong một thế giới với một Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử.
Một Bắc Hàn với vũ khí hạt nhân cũng có thể gây ra một hiểm họa qua việc phổ biến vũ khí hạt nhân, nhất là một khi các phương cách trừng phạt kinh tế nghiêm trọng hơn sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho họ. Các chế độ độc tài và các tổ chức khủng bố khác có thể sẵn sàng trả giá cao nhất để thụ nhận vật liệu và kiến năng (know-how) về vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Đối với một chế độ mà hệ tư tưởng duy nhất chỉ là để sống còn và cô lập, thì việc liên hệ với những thành phần khủng bố và những kẻ cuồng tín sẽ không gây ra trở ngại cho họ chút nào hết về mặt đạo đức.
Những điều này là những thách đố chính yếu mà việc sống chung với một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân sẽ đem lại. Liệu những vấn đề này có thể giải quyết được không? Ở một mức độ nào đó, câu trả lời sẽ là giải quyết được.
Hoa Kỳ có thể cộng tác với các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản để củng cố vị thế quân sự ở bên trong và chung quanh Bán đảo Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng của họ để làm nản lòng và bảo vệ chống lại những khiêu khích của Bắc Hàn trong tương lai. Hoa Kỳ cũng có thể xây dựng một liên minh quốc tế để ngăn chặn mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và cho Bắc Hàn biết rằng việc đem phổ biến các vũ khí nguyên tử sẽ đưa đến một hậu quả đắt giá khủng khiếp.
Nhưng những nỗ lực như thế cuối cùng cũng sẽ vẫn không hữu hiệu. Sự hung hăng hiếu chiến cộng với việc đem phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là những nguy hiểm quá lớn để có thể chấp nhận thành vĩnh cửu. Dần dần, Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi đáng kể các nguyên tắc căn bản của thách đố này nếu họ hy vọng sẽ thành công trong việc làm cho Bắc Hàn cuối cùng sẽ từ bỏ việc nguyên tử hóa của họ (denuclearization). Mặc dù chiến lược này có thể kéo theo việc đàm phán với Bắc Hàn để hạn chế, giám sát và cuối cùng làm mất đi khả năng hạt nhân của Bắc Hàn, Hoa Kỳ nên theo đuổi một chiến lược nhằm khôi phục cuộc tấn công phòng ngừa như là một chọn lựa có thể dễ được chấp thuận hơn.
Việc xây dựng cho một chiến lược chiến tranh phòng ngừa sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ và các đồng minh phải đầu tư rất lớn để cải tiến khả năng quốc phòng và ngăn chặn, nhưng một cách rộng rãi hơn việc đó đòi hỏi chúng ta phải tái định hướng (reorient) tư thế của chúng ta đối với những khả năng cần đến trong cuộc tấn công phòng ngừa – một sự kết hợp các khả năng tấn công và phòng thủ sẽ phải mạnh gấp nhiều lần vượt xa khỏi những gì hiện đang được dàn trải trên Bán đảo Triều Tiên và vùng phụ cận.
Điều đó cũng đòi hỏi một sự gia tăng rất lớn trong việc đầu tư vào khả năng và kỹ nghệ phòng thủ bằng hỏa tiễn nhằm mục đích từ khước không để cho Bắc Hàn thành công trong việc tấn kích Hoa Kỳ. Một sức mạnh như thế không những có thể cung ứng cho tổng thống Mỹ thêm nhiều lựa chọn đáng giá hơn; mà còn chuyển đến cho các thương thuyết gia của Mỹ nhiều “đòn phép” (leverage) hơn khi họ ngồi xuống với các đối tác Bắc Hàn.
Chắc chắn Trung Hoa sẽ phản đối một sự gia tăng quan trọng nơi sức mạnh quân sự của Mỹ, và của các đồng minh, trong khu vực lân cận của quốc gia này. Việc thiết lập các giàn phóng hỏa tiễn Terminal High Altitude Area Defense (THAAD) tại Nam Hàn đã bị Trung Hoa phản đối mạnh mẽ, và việc tăng cường thêm cho lực lượng quân sự của Mỹ sẽ là vấn đề lớn lao hơn và khổ não hơn cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, về phía Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể giải thích rằng việc gia tăng sức mạnh quân sự này là cái giá phải trả cho hàng chục năm Trung Hoa đã viện dẫn đủ mọi lý do để thoái thác (excuses), từ chối và đưa ra những lời khuyến cáo không thực tế để kêu gọi kiềm chế. Thật là một điều không may là Bắc Kinh dường như bị thúc đẩy mạnh mẽ hơn trước mối đe dọa của một sức mạnh quân sự của Mỹ đang được gia tăng mạnh mẽ hơn là trước mối đe dọa của vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Trong chính trị quốc tế, các nhà lãnh đạo thường bị bắt buộc phải đối phó với những vấn đề không do họ gây ra. Trump đã không tạo ra vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng nay đó là trách nhiệm của ông. Chối bỏ vấn đề này, hoặc theo đuổi một chiến lược mà chỉ có ít cho đến không có hy vọng thành công, thì chỉ làm phương hại đến nền an ninh của Hoa Kỳ và của các đồng minh. Quả là điều bất hạnh là chúng ta phải nhận ra thực tế mà chúng ta đang đối diện và đưa ra được một chiến lược nào đó sao cho khả dĩ có hy vọng sẽ duy trì được một tương lai ít nguy hiểm hơn cho nhiều thế hệ sắp tới.
Huỳnh Thạnh – Ngày 18/9/2017
Leave a Reply