Nguyên bản bài báo Geopolitics at Play in China của James Rickards đã đăng trên Business Insider ngày 16/02/2017


Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Những vấn đề hiện nay của Trung Hoa không hoàn toàn là vấn đề ở bên ngoài và không chỉ bị trói buộc vào nơi chính quyền mới của Trump.  Trung Hoa hiện đang bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh chính trị nội bộ quay chung quanh những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm cho chính ông ta trở thành nhà lãnh đạo có quyền lực mạnh mẽ nhất Trung Hoa kể từ Mao Trạch Đông.

Để phản ứng trước những “quá độ” của thời đại Mao – gồm luôn thảm họa Bước Đại Nhảy vọt (Great Leap Forward), đã gây ra nạn đói trong thập niên 1950s, và cuộc Cách mạng Văn hóa tàn hại của thời 1966-1976, bắt đầu trong thập niên 1980s dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa đã phát triển một mô hình mới của lãnh đạo tập thể.

Bản thân họ Đặng không bao giờ là chủ tịch; ông đã giữ hàng loạt các chức vụ thấp hơn. Tuy nhiên, ông là kiến trúc sư của hệ thống chủ tịch hiện nay và được xem như là “nhà lãnh đạo tối cao” của Trung Hoa từ năm 1978 đến 1987. Đặng nắm giữ cái mà người Trung Hoa gọi là “Thiên Mệnh,” một khái niệm gần như tôn giáo đã ban cho hoàng đế Trung Hoa tính hợp pháp trong hơn 3,000 năm.

Mô hình mới vẫn có một nhà lãnh đạo duy nhất, nhưng nhà lãnh đạo này đã được lựa chọn bởi sự đồng thuận giữa các ủy viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản. Mỗi vị lãnh đạo được bầu vào nhiệm kỳ năm năm (qua những cuộc bầu cử gian lận), và được phép phục vụ thêm một nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai (một số đã làm như vậy, một số không).

Điều quan trọng là vào đầu nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai, ông sẽ chỉ định một hoặc hai người có thể kế vị. Những người được chỉ định kế vị này rồi sẽ chen lấn luồn lách để chiếm giữ ưu thế trong các ủy viên của Ủy ban Trung ương. Sự đồng thuận sẽ dần dần nổi lên tụ quanh một nhân vật. Rồi nhân vật đó sẽ được chọn làm chủ tịch vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của vị đương kim chủ tịch.

Hệ thống này vận hành cũng giống như đồng hồ, chạy qua các nhiệm kỳ chủ tịch của Lý Tiên Niệm (1983-1988), Dương Thượng Côn (1988-1993), Giang Trạch Dân (1993-2003), Hồ Cẩm Đào (2003-2013), và cho đến nay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình (2013-2018).

Nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hết hạn vào tháng Ba năm 2018. Chắc chắn ông ta sẽ được bầu lại vào nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng tính cho đến nay, họ Tập đã không đi đúng với bài bản đã được định sẵn từ lâu nay qua việc đã không chỉ định bất kỳ người kế vị nào để chuẩn bị cho một sự chuyển nhượng quyền hành một cách suôn sẻ vào năm 2023. Ở mức tối thiểu, điều này sẽ làm cho họ Tập càng mạnh hơn sau năm 2018 bởi vì làm như vậy họ Tập sẽ loại bỏ được yếu tố “lãnh đạo ngồi chờ cho hết nhiệm kỳ” (lame duck).

Một số quan sát viên sợ rằng tham vọng thực sự của họ Tập là để nắm luôn nhiệm kỳ thứ ba cho đến năm 2028. Điều này cũng tương tự như ở Nga, Vladimir Putin đã múa may vận dụng nhiều phương cách khác nhau để giữ chặt quyền hành từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền ít nhất cũng là qua đến năm 2020.

Họ Tập cũng theo đuổi một “chiến dịch chống tham nhũng” và đã “thuận tiện” bắt giữ luôn hai đối thủ mạnh nhất, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), cựu thị trưởng đầy tham vọng của Trùng Khánh, và Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), người đứng đầu bộ máy an ninh nội chính của Trung Hoa. Mô hình này cũng bắt chước Nga của Putin nơi mà tham nhũng được dung thứ một khi nó chỉ dùng để làm giàu cho cá nhân, và không chuyển hóa thành địa lý chính trị (geopolitics) của quyền lực. Những kẻ khao khát quyền lực sẽ bị bứng xuống và giới lãnh đạo bắt giữ.

Câu hỏi liệu họ Tập sẽ phá vỡ hệ thống hai nhiệm kỳ và mưu tìm thêm nhiệm kỳ thứ ba là điều hiện giờ vẫn chưa ai được rõ. Hành động của họ Tập có thể bị xem là một khiêu khích và đưa đến một phản ứng dữ dội, sẽ có thể làm ông ta bị mất đi “Thiên Mệnh.” Ở mức tối thiểu, sự bất ổn chính trị gây ra bởi những nước cờ của họ Tập làm cho các chính sách ứng phó với hành động khiêu khích của Trump trở nên khó dự đoán hơn. Lúc đó, khi phải lấy quyết định, những nhà hoạch định chính sách sẽ dễ nghiêng nặng về mặt chính trị hơn là kinh tế. Và như vậy việc tối ưu hóa chính sách kinh tế sẽ bị tổn thuơng.

Trung Hoa cũng sẽ bị thương tổn vì những mâu thuẫn nội bộ đối với tham vọng kinh tế toàn cầu của họ. Việc kiểm duyệt Internet, mà tôi có kinh nghiệm đầu tay trong chuyến thăm gần đây, sẽ giúp Cộng sản duy trì sự kiểm soát của họ trong ngắn hạn, nhưng sẽ dập tắt sự trao đổi các ý tưởng quan yếu đối với tiến bộ công nghệ. (Nguyên thủy, mạng lưới internet được phát minh bởi Ngũ giác đài không phải để làm nền cho tin tức hay truyền thông xã hội, nhưng là để các nhà tư tưởng xuất sắc nhất trao đổi ý tưởng nhanh chóng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đối đầu với các khoa học gia Liên Xô.)

Bắt đầu từ đầu thập niên 1980s, chính sách một-con của Trung Hoa đã dẫn đến hai thảm họa trong khu vực dân số (demographic disasters). Đầu tiên là sự gia tăng nhân số hiện giờ đang bị ngưng lại trong khoảng tuổi làm việc. Đây là biểu hiện của ngọn gió thổi ngược đối đầu với chiều hướng mở rộng kinh tế. Thứ hai là chiều hướng trọng trẻ em nam giới trong nền văn hóa Trung Hoa đã dẫn đến sự phá thai theo phái tính và giết trẻ sơ sinh nữ. Điều này đã tạo ra sự chênh lệch phái tính với 20 triệu người nam trong độ tuổi hai mươi và ba mươi và không có triển vọng lập gia đình được. Qua sự tuyển chọn chồng của giới phụ nữ, thì có thể thấy những người đàn ông không lập được gia đình này là những người kém hấp dẫn nhất và có khả năng hay tay nghề yếu kém nhất.

Nhiều người trong số này bị bắt buộc vào phục vụ trong quân đội và được gửi ra nước ngoài để trông coi giám sát các hầm mỏ và các doanh nghiệp công nghiệp ở châu Phi và Nam Mỹ. Trong bất cứ trường hợp nào, thì những người này đã chín muồi cho những hành vi chống xã hội và là mối đe dọa cho sự ổn định xã hội.

Sự trộn lẫn của những vấn đề bất lợi trong khu vực dân số (demographics), sự tắc nghẽn trong kỹ thuật (technological bottlenecks), và mưu đồ chính trị đều là những tai hại đối với sự  phát triển kinh tế của Trung Hoa trong một hoàn cảnh hoàn hảo nhất. Với những thách thức mới của chính quyền Trump nhắm vào Trung Hoa, thì những bất ổn nội bộ sẽ là động lực làm gia tăng thêm áp lực bên ngoài và sẽ dẫn đến một trật tự xã hội bị rối loạn.

Địa Lý Chính trị và Bất Ổn định

Những căng thẳng với Trung Hoa quay quanh chính sách của Trump về thương mại, thuế quan, và thao túng tiền tệ chỉ là một trình diễn bên lề (sideshow) khi đem so sánh với các vấn đề lớn hơn rất nhiều trong việc Trump quay trục sang Nga.

Kể từ 1989, một trật tự thế giới tay ba đã xuất hiện gồm Nga, Trung Hoa và Hoa Kỳ. Mục tiêu chiến lược trong cuộc chơi tay ba này là đứng cùng bên với một trong hai phe còn lại để gây thiệt hại cho phe thứ ba.

Từ năm 1946 đến 1989, vấn đề địa lý chính trị cốt yếu chỉ là lo quản trị cái “chung cư” (condominium) quyền lực thế giới và địa lý chính trị của Nga-Mỹ. Có tiềm năng của một cường quốc (như được Tổng thống Nixon công nhận vào năm 1972), nhưng trong thực tế, Trung Hoa vẫn còn yếu, nghèo, bị cô lập, và hỗn loạn. Và Nga và Hoa Kỳ kiểm soát thế giới. Tất cả các quốc gia khác thì hoặc là đồng minh, là quốc gia vệ tinh (satellites), hay ủy nhiệm (proxies) hoặc không đáng kể. Có những điểm nóng nổ ra tại Berlin, Cuba, Việt Nam, và Afghanistan, nhưng quân lính của Hoa Kỳ và Liên Xô không bao giờ nổ súng bắn vào nhau. Những rủi ro của sự leo thang dẫn đến chiến tranh hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh đã quá lớn (khiến không ai dám gây ra chiến tranh hạt nhân).

Kể từ 1989, một trật tự thế giới tay ba đã xuất hiện gồm Nga, Trung Hoa và Hoa Kỳ. Mục tiêu chiến lược trong cuộc chơi tay ba này là đứng cùng bên với một trong hai phe còn lại để gây thiệt hại cho phe thứ ba. Mỹ đã rất giỏi sử dụng đấu pháp hai-chọi-một này từ thời 1989 đến 2009, nhưng sau đó đã thất bại hoàn toàn.

Năm 1989, Bức tường Berlin bị đổ nhào, đi đôi với sự giải phóng Đông Âu, cộng thêm sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Nga rút quân khỏi Afghanistan, và sự xuất hiện của một nền dân chủ ở Nga, tất cả những điều này đã đưa đến các kết quả là quan hệ Mỹ-Nga được kéo xích lại gần hơn, đến mức các “chuyên gia” Hoa Kỳ đã thiết kế nhiều hạ tầng cơ sở pháp lý và tài chánh của Nga.

Trong khi đó Trung Hoa là kẻ-không-giống-ai (the odd-man-out) do hậu quả của việc dùng bạo lực đàn áp những cuộc biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989. Tôi đã thực hiện những chuyến đi đầu tiên để đến Trung Hoa Đỏ trong giai đoạn này, vào năm 1992 và 1993. Hầu như tôi đã không gặp được người Mỹ nào và luôn luôn bị theo dõi liên tục bởi các thành phần an ninh nội chính, giả dạng làm người hướng dẫn, chuyên để mắt theo dõi người khác.

Chính trong giai đoạn làm kẻ-không-giống-ai này Trung Hoa đã thực hiện việc đại hạ giá tiền tệ (maxi-devaluation) của họ. Tỉ giá hoán đổi chéo (cross-rate) của đồng Mỹ kim và nhân dân tệ (yuan) của Trung Hoa đã từ 5.7 tăng lên đến 8.7 gần như qua đêm trong năm 1994. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Hoa đã hoàn thiện lực lượng sản xuất và mạng lưới vận chuyển và đã dẫn đến sự thành công trong xuất cảng, tích lũy được dự trữ lớn lao, và đạt được sự tăng trưởng kinh tế mà trước đây chưa từng có.

Trận đấu quốc tế này đã thay đổi đáng kể vào năm 2000. Khi đó, Hoa Kỳ xoay trục đổi hướng từ Nga sang Trung Hoa. Việc chọn lựa Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vào năm 2000 liên quan đến sự khẳng định của chủ nghĩa dân tộc Nga bao gồm việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở những khu vực ngoại vi của Nga như Georgia, Ukraine, Moldova và các nước Cộng hòa vùng Baltic. Putin đang tái lắp ráp một Đế quốc Liên Xô cũ để hình thành một Đế quốc Nga mới.

Trong khi với khả năng chế tạo (manufacturing) cao và với việc sẵn sàng mua trái phiếu của Bộ Tài chánh Hoa Kỳ, Trung Hoa đã trở thành một đối tác thương mại lý tưởng cho Hoa Kỳ. Chính quyền Bush đã khôn khéo ôm lấy Trung Hoa và làm Nga trở thành kẻ-không-giống-ai (the odd-man-out).  Quan hệ Mỹ-Nga đã xuống tới mức thấp vào tháng Tám năm 2008 khi Nga xâm lăng Georgia, một đồng minh của Hoa Kỳ. Khi đó, Bush đã bị quá bó tay với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc Chiến tranh ở Iraq để có thể có được một phản ứng nào.

Bắt đầu từ năm 2009, chính quyền Obama đã không nhận ra rằng Nga và Trung Hoa đang áp dụng đấu pháp hai-chọi-một theo kiểu riêng của họ và xem Hoa Kỳ là “kẻ-không-giống-ai.”  Sự hợp tác Nga-Hoa đã mở rộng qua các sáng kiến như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, các tổ chức BRICS, sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới, và những thỏa thuận song phương về hoán đổi tiền tệ, dầu và khí đốt tự nhiên, hạ tầng cơ sở đường ống, và bán vũ khí.

Obama bị ru ngủ và rơi vào sự tự mãn qua việc thấy Trung Hoa mua nợ của Bộ Tài chánh ngay cả khi có sự thao túng tiền tệ của Trung Hoa, trợ cấp thương mại, và thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ đã bội phát lan tràn như bệnh ung thư. Đến năm 2016, quan hệ của Hoa Kỳ với Nga đã ở mức thấp trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, trong khi quan hệ với Trung Hoa đang trên một đạn đạo đang rơi xuống. Từ giữa thập niên 1950s, chưa bao giờ Nga và Trung Hoa gần gũi với nhau như thế. Trong trận đấu tay ba lần này, Hoa Kỳ là kẻ thua cuộc mới.

Với sự nổi lên của Donald Trump, Mỹ đã trở lại cuộc chơi, lần này với sự hứa hẹn sẽ có quan hệ gần gũi hơn nữa với Nga và sẽ đối đầu với Trung Hoa. Putin có vẻ như sẵn sàng để tham dự vòng đua này với ông bạn mới thân Donald Trump. Một lần nữa, Trung Hoa đang bắt đầu cảm thấy lạnh gáy của “kẻ-không-giống-ai” (the odd-man-out).

Nga và Hoa Kỳ là hai nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Với sự hợp tác từ Saudi Arabia, họ có thể chế ngự giá cả của năng lượng trên toàn cầu. Việc bổ nhiệm Rex Tillerson, cựu CEO của ExxonMobil, làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đặt việc sử dụng các loại vũ khí năng lượng vào trong những bàn tay khôn khéo. Trung Hoa sẽ bị áp lực trong việc hợp tác về các vấn đề như Biển Đông, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và các mối quan hệ với Đài Loan.

Liên quan đến trường hợp nhượng bộ về thương mại và tiền tệ, Trung Hoa đang được yêu cầu phải nhượng bộ những gì mà họ không thể cung ứng. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần không thể tách rời khỏi Trung Hoa, tạm thời là một “tỉnh ly khai,” không phải là một thực thể chính trị riêng biệt. Đối với Trung Hoa, Đài Loan là vấn đề sinh tử và không thể thương lượng.

Tương tự, Trung Hoa có ít chỗ để vận dụng về việc nhượng bộ trong những tuyên bố có quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Biển Nam Trung Hoa. Vùng đó của Thái Bình Dương có rất nhiều cá mà Trung Hoa cần để nuôi dân của họ. Trung Hoa không muốn chia sẻ khai thác với Việt Nam và Philippines. Đã nhiều lần xẩy ra chuyện leo lên tàu, đụng vào tàu, và tịch thu (tài sản của tàu khác). Một cuộc đối đầu vũ trang lớn hơn tại nơi đó chỉ còn là một vấn đề của thời gian.

Trung Hoa có thể giúp trong những việc liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trung Hoa có nhiều giao thông, ngân hàng, và những yếu huyệt (chokepoints) thực phẩm mà họ có thể dùng để chặn đứng hành vi xấu của Bắc Triều Tiên. Vấn đề ở đây là Trung Hoa sợ rằng Bắc Triều Tiên sẽ trả đũa bằng cách mở cửa biên giới với Trung Hoa và cho phép hàng triệu người dân tuyệt vọng của Bắc Triều Tiên tràn vào Trung Hoa như những người tị nạn nghèo túng. Kết quả sẽ là sự mất ổn định xã hội và kinh tế ở Mãn Châu, một phần của Trung Hoa vốn đã bị thương tổn từ tình trạng vòng đai rỉ sét  (rust belt status)1 của nó.

Với một sự hồi sinh của “chung cư” quyền lực (condominium of power) Nga-Mỹ đặt căn bản trên các điều khoản thân thiện, và việc Trung Hoa không có khả năng để cung cấp những nhượng bộ theo như sự đòi hỏi của Trump, thì triển vọng của một quan hệ địa lý chính trị Mỹ-Hoa sẽ rất nghèo nàn.

Điều này sẽ chỉ làm tệ hại thêm các mối quan hệ kinh tế vốn đang bị xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ – Feb 19, 2016

Ghi chú: The Rust Belt (vòng đai rỉ sét) của Trung Hoa gồm 3 tỉnh Liaoning, Jilin, Heilongjiang làm thành khu vực Mãn Châu. Vùng này được xem là khu kỹ nghệ nặng của Trung Hoa sau khi cộng sản nắm quyền.  Nhưng trong thập niên 1990s, cải cách thị trường đã đốn ngã nền kinh tế kế hoạch. Bị lỗi thời, các nhà máy không có hiệu quả đã buộc phải đóng cửa. Kết quả là khoảng 30 triệu công nhân bị mất việc. Khu vực đã có lần tự hào này đã trở thành tương tự như khu vực Flint, Michigan, Hoa Kỳ – một Belt Rust của ngành công nghiệp mục nát không tương lai.

Chú thích

  1. http://www.theatlantic.com//slideshows/china-nations/rustbelt.html