Trần Trung Tín
Vào ngày 28 tháng 8, 2018, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết Nga sẽ tổ chức các cuộc hành quân tập trận lớn nhất trong gần 40 năm qua.
Vostok-2018 là tên chung cho các cuộc hành quân tập trận này. Sẽ có gần 300,000 binh sĩ, hơn 1,000 máy bay, cả hai Hạm Đội Thái Bình Dương và Hạm Đội Phía Bắc (Pacific & Northern Fleets), và tất cả các đơn vị nhảy dù của Nga tham dự.
Ngoài ra, còn có sự tham dự của các đơn vị quân đội của Mông Cổ và Trung Hoa. Các cuộc hành quân thao dượt này sẽ được tiến hành từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 9 tại các khu vực trong vùng Nam Siberia và Viễn Đông (Far East) của Nga.
Theo tin từ báo The Moscow Times, Bộ Trưởng Shoigu cho biết Vostock-2018 là cuộc thao diễn quân sự “quy mô chưa từng có, cả về mặt diện tích hoạt động và con số các cơ cấu chỉ huy quân sự, quân nhân và các lực lượng tham dự,” và là “một “hành động chuẩn bị lớn nhất dành cho các lực lượng vũ trang kể từ cuộc diễn tập quân sự Zapad-81.”
Zapad-81, tổ chức vào năm 1981, là cuộc diễn tập lớn nhất mà Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu đã tổ chức trong thời Chiến Tranh Lạnh. Theo CIA, có khoảng từ 100,000 đến 150,000 quân tham dự Zapad-81. Vào năm 2017, Nga cũng tổ chức Zapad-2017, chỉ với khoảng 70,000 quân tham dự.
Cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 rất lớn này diễn ra vào thời điểm các căng thẳng giữa Nga và Tây phương đang lên cao vì Nga xem việc NATO tạo lập thêm đồng minh quân sự tại bên sườn phía Tây của Nga là một điều không thể biện minh được. Nga đã liên tục lên án các hoạt động quân sự của Tây phương và các cuộc diễn tập của NATO như là các hành động khiêu khích.
Thêm nữa, trước những lo ngại về sự bất định của Donald Trump về tương quan giữa Mỹ với NATO, cũng như trước cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine vào năm 2014, các thành viên NATO đã đẩy mạnh việc chi tiêu quốc phòng của họ, cũng như đang làm việc để đạt đến mức sẵn sàng về mặt quân sự.
Mặc dù Tổng Thống Trump đã gửi ra những tín hiệu bày tỏ sự tương nhượng của ông đối với Nga và chính ông đã có nhiều thể hiện có phần thù địch đối với NATO, nhưng những thái độ và cung cách đó không đem đến sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Hoa Kỳ hoặc NATO đối với Nga.
“Chúng tôi không thích bức tranh mà chúng tôi đang nhìn thấy,” Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Moscow, nói với tờ báo Defense News. “NATO hiện đang rất nghiêm chỉnh về khả năng chiến đấu và mức độ sẵn sàng của họ. Trump có thể đang ném rác vào NATO và các đồng minh Âu Châu của ông ta,” Vladimir Frolov nói, “nhưng vấn đề chính nằm ở nơi khả năng chiến đấu (của NATO), và những khả năng đó đã gia tăng dưới thời Trump.”
Quân đội của NATO, gồm cả lực lượng của Hoa Kỳ, đang thực tập các chiến thuật ít được sử dụng từ thời Chiến Tranh Lạnh. Thêm nữa, một số quốc gia trước đây nằm trong Cộng Hòa Xô Viết cũ cũng đã ngả theo về Tây phương. Tại các quốc gia trong khối NATO nằm bên cạnh sườn phía Tây của Nga, đã có thêm nhiều đơn vị trú phòng của NATO được dàn trải ra đó. Ngay như Ba Lan, quốc gia này còn đề nghị trả tiền chi phí cho sự đồn trú vĩnh viễn của quân đội Hoa Kỳ trên đất của họ.
Riêng Đức, đã từ lâu rất không thích có một lực lượng quân sự lớn, nhưng hiện nay họ đang tìm cách tuyển mộ thêm quân, và một số người đã khởi động lại cuộc tranh luận về việc liệu Berlin có nên tìm kiếm để có một khả năng về vũ khí hạt nhân cho chính họ hay không.
Hiện nay, các lực lượng trong quân đội Nga được chia ra thành năm quân khu (military district):
- Western Military District
- Central Military District
- Eastern Military District
- Southern Military District
- Northern Fleet Joint Strategic Command (một quân khu đặc biệt, chỉ huy chiến lược hỗn hợp)
Về tham dự cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 là các đơn vị của Nga xuất phát từ hai Quân Khu Miền Đông và Miền Trung (Eastern and Central Military Districts).
Về mặt hải quân, Nga hiện có năm hạm đội:
- Northern Fleet: thành lập 1993, là hạm đội chính của Nga, và trực thuộc quân khu Northern Fleet Joint Strategic Command
- Baltic Fleet: thành lập 1703, trực thuộc quân khu Western Military Disctrict
- Black Sea Fleet: thành lập 1703, trực thuộc quân khu Southern Military District
- Caspian Flotilla: thành lập 1722, trực thuộc quân khu Southern Military District
- Pacific Fleet: thành lập 1731, trực thuộc quân khu Eastern Military District
Các đơn vị hải quân Nga tham dự Vostok-2018 sẽ đến từ hai Hạm Đội Thái Bình Dương (Pacific Fleet) và Hạm Đội Phía Bắc (Northern Fleet).
Cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 là nơi lần đầu tiên quân đội Nga hành quân hỗn hợp với lực lượng của quân đội Trung Hoa. Sự kết hợp này đã cho thấy đang có sự thay đổi về mặt địa lý chính trị trong vùng. Vì trước đây Moscow vẫn nhìn Trung Hoa, một quốc gia láng giềng giàu có và đông dân hơn, với cặp mắt nghi ngờ, nhất là vì Trung Hoa vẫn thường để mắt đến những khu vực đất rộng người thưa như vùng Siberia của Nga.
Trong cuộc hành quân hỗn hợp này, phía Trung Hoa sẽ gửi sang hơn 3,200 quân nhân ưu tú từ Quân Khu Miền Bắc (Northern Theatre Command), 900 thứ chiến cụ (military hardware), và 30 chiến đấu cơ phản lực và trực thăng.
Đây là một cơ hội rất tốt để Bắc Kinh thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Hoa sau cuộc cải tổ sâu rộng của họ, và nhất là từ sau trận chiến tranh với Việt Nam vào năm 1979 đến nay, quân đội Trung Hoa không có tham dự một trận chiến nào khác.
Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng Trung Hoa nói rằng việc diễn tập quân sự chung này nhằm để củng cố thêm sự hợp tác giữa hai lực lượng quân sự của Trung Hoa và Nga và để cải thiện khả năng của họ trong việc cùng đối phó với những đe dọa về mặt an ninh.
Theo sự ghi nhận của Zhou Chenming, một quan sát viên quân sự tại Bắc Kinh, thì Trung Hoa cũng muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, đang phải đương đầu với nhiều thử thách về mặt ngoại giao sau khi Moscow sáp nhập Crimea.
Theo Zhou, địa điểm tập trận đã được chọn lựa một cách có tính toán: “Putin muốn dùng thế trận quân sự được bày ra cùng với quân đội Trung Hoa để phô trương sức mạnh quân sự của Nga. Nhưng ông ta không muốn làm Hoa Kỳ khó chịu đến mức chính quyền Trump có thể phán đoán sai lạc về việc này. Vì vậy Putin đã chọn các nơi hành quân thực tập nằm trong vùng ít nhậy cảm thuộc khu vực Viễn Đông (Far East) của Nga, xa hẳn khối đồng minh của Hoa Kỳ tại Âu Châu.”
Về phía Trung Hoa, rõ ràng là, khi quyết định có mặt bên cạnh Nga trong cuộc tập trận quy mô này, chắc chắn Bắc Kinh muốn tạo thêm áp lực lên Washington để đáp ứng lại việc Hoa Kỳ đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh mậu dịch chống lại Trung Hoa.
Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, Bộ Quốc Phòng Trung Hoa nói rằng sự tham dự của quân đội Trung Hoa trong cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 không nhằm vào một đối tượng thứ ba nào khác.
Nhưng một khi Trung Hoa có mặt bên cạnh Nga trong các cuộc hành quân hỗn hợp tại Vostock-2018, lẽ tất nhiên sẽ tạo thêm những quan ngại về một tình trạng “chiến tranh lạnh,” và do vậy càng làm gia tăng không khí nghi kỵ và thù địch giữa Washington và Bắc Kinh.
Về phía Nga, vì những căng thẳng với Tây phương đang gia tăng, Nga đã tăng cường các hoạt động quân sự của họ. Thêm nữa, Nga cũng mở rộng những quan hệ quân sự với Trung Hoa. Cả Moscow và Bắc Kinh đã cùng thực hiện một loạt các cuộc diễn tập quân sự chung, gồm luôn các cuộc tập trận ở Biển Đông và trong vùng biển Baltics mùa hè năm ngoái.
Trung Hoa và Nga đã hình thành những gì họ mô tả là “đối tác chiến lược,” bày tỏ sự chống đối của họ đối với thế giới “đơn cực” – từ ngữ được họ sử dụng để diễn tả sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ.
Khi thực hiện một cuộc tập trận được huy động lớn lao như Vostok-2018, Nga muốn chứng tỏ với Tây phương là mặc dù kinh tế của họ không được thịnh vượng, quân đội của Nga vẫn vững vàng và sẵn sàng hoạt động trong một địa bàn rộng lớn.
Cũng như, mặc dù Tây phương hết sức muốn bao vây cô lập Nga, cuộc tập trận này cho thấy vẫn có những quốc gia khác muốn hợp tác với Nga. Hay nói một cách khác, Nga đang muốn dùng sức mạnh quân sự của họ để nâng cao vị thế của Nga ở mặt địa lý chính trị trên thế giới.
Hiển nhiên qua cách phô trương sức mạnh quân sự như trên, Moscow đã chứng tỏ rằng họ vẫn xem Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, nhất là các quốc gia Âu Châu trong khối NATO, là lực lượng đối nghịch chiến lược.
Tuy nhiên khi nhìn về phía Á Châu-Thái Bình Dương, thì khi bày ra một trận thế quân sự như thế, Nga sẽ làm sứt mẻ mối giao hảo đang tốt lành giữa Nga và Nhật .
Dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã áp dụng chính sách đặt nặng việc cùng tham dự với Moscow – và lấy củ cà rốt kinh tế đưa ra mời – với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận giải quyết việc tranh chấp lãnh thổ từ 70 năm qua về quần đảo Kuril.
Nhằm làm tăng thêm giá trị cho hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Phương Đông (Eastern Economic Forum) của Vladimir Putin tại Vladivostok, Thủ Tướng Abe nhận lời sẽ đến tham dự hội nghị này vào ngày 11 tháng 9, 2018.
Tuy vậy, ngày đó cũng sẽ là ngày mở màn cho các cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018, với sự tham dự của quân đội Trung Hoa.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên này chắc chắn sẽ không được Tokyo hoan hỷ đón nhận. Nhất là càng ngày Trung Hoa càng làm cho Nhật Bản phải lo ngại trước tham vọng bành trướng của họ.
Theo Alexander Gabuev, chủ tịch của Chương Trình Á Châu-Thái Bình Dương tại Trung Tâm Carnegie Moscow (Asia-Pacific Programme at the Carnegie Moscow Centre), thì cung cách ứng phó của Nhật đối với Nga, như được ghi bên trên, rất ngây thơ. Vì khi xét đến một bối cảnh quốc tế với những điều kiện đặc biệt, như Crimea của Ukraine bị Nga sáp nhập, Tổng Thống Donald Trump, cùng các biện pháp trừng phạt Nga và chiến tranh mậu dịch với Trung Hoa, thì có thể thấy rằng bối cảnh đó đã đẩy Nga và Trung Hoa đến gần nhau hơn trước sự thiệt thòi của Nhật Bản.
“Sau biến cố Ukraine, Nga đã quyết định không còn xem Trung Hoa là mối đe dọa – chắc chắn cũng là trong vòng 15 đến 20 năm sắp tới,” ông Gabuev nói. “Các mối quan hệ tốt với Trung Hoa hiện là ưu tiên hàng đầu. Có ai khác có thể hứa hẹn hàng tỉ đô la cho các ngân hàng bị đặt dưới lệnh cấm vận của Mỹ? Trung Hoa đã làm được điều đó. Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, chắc chắn không thể làm như vậy được.” [Ghi chú: tháng Sáu vừa qua Ngân Hàng Phát Triển Trung Hoa đã ký một hiệp ước với Ngân Hàng Phát Triển VEB của Nga đồng ý cho Nga mượn tiền lên đến 10 tỉ đô la.]
Về phần các giới lập pháp Nga, thì họ không hề giấu diếm việc Nga nhắm đến ai sẽ là đối tượng chính yếu của cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018. Phát biểu với băng tần truyền hình Zvezda, Frants Klintsevich, thành viên của Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Thượng Viện Nga, nói rằng các cuộc tập trận được phối hợp là một tín hiệu gửi đến Hoa Kỳ.
“Họ đã từng rất hài lòng khi thấy các đơn vị của chúng ta, các sư đoàn và nhân sự của chúng ta đã không được thực tập và không có khả năng phối hợp,” ông Klintsevich nói. “Thời gian đã thay đổi.”
Liên quan đến các cuộc hành quân thao dượt Vostok-2018 đang sắp diễn ra, phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Eric Pahon nói: “Chúng tôi kêu gọi Nga thực hiện các bước cần thiết để chia sẻ thông tin liên quan đến các cuộc tập trận và hành quân ở Âu Châu để truyền đạt rõ ràng ý định của mình và giảm thiểu sự hiểu lầm có thể xảy ra.”
Phát ngôn viên Pahon còn cho biết rằng các trò chơi chiến tranh này sẽ được các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi chặt chẽ do bởi việc Nga có ý muốn mô phỏng một sự chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân. Viên chức này nói về cả Nga và Trung Hoa: “Đó là một thông điệp chiến lược của họ.”
Cũng nên biết rằng cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp Nga-Hoa này diễn ra khi chính quyền Trump đã gọi cả hai quốc gia này là các đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Nhìn về quốc gia láng giềng của Nga-Hoa tại Á Châu là Nhật Bản, thì các nhà phân tích chính trị tại đây từ lâu nay vẫn lo ngại rằng quyền hạn của giới lãnh đạo dân sự ở Bắc Kinh bị giới hạn rất nhiều đối với giới Quân Đội của Trung Hoa, vốn là những thành phần diều hâu của Trung Hoa.
Rồi đến nay, trước việc Trung Hoa cùng thao diễn quân sự với Nga trong Vostok-2018, thì điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy Tokyo càng thêm phải nhanh chóng trong việc xác định lại vai trò của các lực lượng quân sự của họ.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay, với danh xưng chính thức “The Japan Self-Defense Forces” (Lực Lượng Tự Vệ Nhật) thì quân đội Nhật vẫn chỉ là lực lượng tự vệ có trách nhiệm về an ninh nội địa. Trong trường hợp bị ngoại xâm, Nhật Bản sẽ được quân đội Mỹ bảo vệ, theo như quy định trong Hiệp Ước Hợp Tác và An Ninh Hỗ Tương được ký kết với Hoa Kỳ, đầu tiên vào năm 1954.
Tuy nhiên, với một Hoa Kỳ quá bận rộn vì phải lo cho chính họ, và trước mắt là việc Nga đã tìm cách gia tăng việc kết thân với Trung Hoa, thì việc Nhật Bản cùng một lúc phải chống lại mối nguy hại đến từ phương Bắc của Nga và đồng thời phải bảo vệ các hòn đảo phía Nam để khỏi bị tổn thương bởi Trung Hoa, sẽ là một viễn ảnh đen tối mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản không thể xem thường.
Một điều hiển nhiên có thể thấy được là cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 sẽ làm cho không khí chính trị và quân sự tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương càng thêm ngột ngạt và căng thẳng.
Đối với các cường quốc khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, thì đàng sau những tuyên bố mềm mỏng có tính cách ngoại giao của họ, chắc chắn khó tránh được việc các quốc gia này sẽ đẩy mạnh những nỗ lực tìm kiếm thêm đồng minh trong vùng, đang lo lắng về hiểm họa Trung Hoa, để kiến tạo thêm mạng lưới của một liên minh khu vực nhằm tăng cường thêm khả năng phòng thủ của họ.
Trong khi đó, nhìn vào Việt Nam ngày nay, xem ra giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn đầu hàng Tập Cận Bình và đang dần dần đưa Việt Nam vào vòng nô lệ Trung Hoa. Bởi đó, cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 có thể sẽ là “tin mừng” rất lớn cho hai phe thân Nga và theo Tàu trong cộng đảng Việt Nam. Và đó quả là một điều đại bất hạnh cho dân tộc Việt.
Trần Trung Tín – Ngày 01 tháng 9, 2018
Báo chí tham khảo:
- businessinsider.com/russia-preps-for-vostok-2018-military-exercise-amid-tensions-with-nato-2018-8
- scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2161068/chinas-elite-troops-head-russia-massive-vostok-2018-war
- independent.co.uk/news/world/europe/russia-war-games-2018-military-vostok-china-japan-trump-a8501676.html
- reuters.com/article/us-russia-wargames/russia-to-hold-biggest-war-games-in-nearly-four-decades-agencies-idUSKCN1LD0OP
- wikipedia.org/wiki/Russian_Navy
Leave a Reply